Chiến dịch quân sự Chiến_tranh_Yom_Kippur

Mặt trận Sinai

Quân Ai Cập vượt kênh đào Suez

Quân đội Ai Cập tấn công vượt kênh đào Suez

Thoạt đầu quân Ai Cập không tiến xa hơn khỏi một dải đất hẹp dọc theo kênh đào, vì sợ không được lưới lửa phòng không SAM, nằm ở phía bờ bên kia, bảo vệ. Trong cuộc chiến tranh Sáu ngày, không quân Israel đánh cho quân A Rập tơi tả. Lần này Ai Cập và Syria phòng thủ chặt chẽ phòng tuyến của mình bằng các khẩu đội pháo phòng không do Liên Xô cung cấp. Không lực Israel không có phương cách gì chế ngự được lưới lửa phòng không này. Israel vốn sử dụng một phần lớn ngân sách quốc phòng của mình để xây dựng lực lượng không quân mạnh nhất khu vực, nhưng sẽ phải nhìn không lực của mình bị vô hiệu hóa bởi các khẩu đội tên lửa SAM của đối phương.

Ai Cập dự tính quân Israel sẽ nhanh chóng tung ra một đòn phản kích bằng xe tăng, nên trang bị cho lớp bộ binh xung kích của mình một số súng phóng lựu và tên lửa chống tăng AT-3 Sagger nhiều chưa từng thấy. Số khí tài này sẽ gây tổn thất nặng nề cho cuộc phản kích bằng xe bọc thép của Israel. Cứ ba binh lính Ai Cập thì có một người được trang bị vũ khí chống tăng. Một sử gia quân sự viết "Chưa bao giờ hỏa lực chống tăng lại được sử dụng tập trung nhiều đến thế trên chiến trường."[17] Thêm vào đó, bờ kênh bên phía Ai Cập được đắp cao gấp đôi bờ kênh bên phía Israeli, khiến cho quân Ai Cập có ưu thế tuyệt đối để chụp hỏa lực xuống quân Israel cũng như bất kỳ xe tăng nào dám tới gần. Tầm vóc cũng như tính hiệu quả của chiến thuật triển khai vũ khí chống tăng mà quân Ai Cập sử dụng, cộng với sự bất lực từ phía không lực Israel nhằm vô hiệu hóa chúng (do vướng lưới phòng không SAM) khiến cho quân Israel bị tổn thất nặng nề trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Quân Ai Cập dành rất nhiều nỗ lực nhằm tìm ra một giải pháp hữu hiệu và nhanh chóng để chọc thủng chiến tuyến của Israel. Người Israel dựng lên một lớp chiến lũy cát cao đến 18 mét. Các kỹ sư Ai Cập ban đầu tính dùng thuốc nổ để phá chướng ngại vật, cho tới khi một sĩ quan cấp thấp đề xuất sử dụng vòi phun nước áp lực lớn. Ý tưởng trên được đem ra thí nghiệm, và tỏ ra hữu hiệu, nên người ta cho nhập nhiều máy bơm cao áp từ Đông Đức. Quân Ai Cập sử dụng các máy bơm nước này để hút nước từ kênh đào Suez và thổi băng đi lớp chướng ngại vật bằng cát.

Mặt trận Sinai, 6–15 tháng 10 năm 1973.

Tới 2:05 chiều, không quân Ai Cập mở cuộc không kích lớn với chừng 200-250 máy bay, bay rất thấp, đánh vào 3 sân bay, 10 vị trí tên lửa phòng không Hawk, các sở chỉ huy chính, trung tâm gây nhiễu điện tử, trạm radar, hai căn cứ pháo tầm xa và một cứ điểm mạnh ở phía đông Port Fuad của Israel. Bộ chỉ huy Ai Cập tính là không quân của họ đã hoàn thành đánh phá 95% mục tiêu, mà chỉ mất có 5 máy bay.[18][19][20] Cùng lúc với cuộc không kích, quân Ai Cập tiến hành pháo kích dữ dội với hơn 2.000 khẩu pháo trong 53 phút, bắn vào tuyến phòng thủ Bar Lev và các lô cốt, hầm chỉ huy, khu vực tập trung xe tăng.[20] Trong thời gian đó, trung bình Ai Cập đã nã 175 quả đạn pháo/1 giây vào dãy phòng ngự của Israel.

Được pháo binh bắn yểm trợ, 8.000 quân Ai Cập vượt kênh đợt đầu bằng 1000 xuồng cao su, đánh chiếm hoặc phá hủy gần hết các đồn trên tuyến Bar-Lev (chỉ còn duy nhất một đồn tiếp tục chống cự). Các đội xuồng cao su chèo bằng tay chở binh sĩ băng qua kênh, khẩu hiệu “Allahu akbar” (Thánh Allah vĩ đại) được lính Ai Cập hô vang. Cập bờ bên kia, các tổ diệt xe tăng bắt đầu đặt mìn, tổ chức phục kích xe tăng của Israel, ngăn chặn xe tăng của Israel chống lại cuộc đổ bộ. Tới 2:30 chiều quân Ai Cập đã cắm cờ trên bờ đông của kênh Suez, và đến 2:46 quân Ai Cập đã chiếm được đồn đầu tiên. Quân đoàn cơ giới bắt đầu lập 10 cầu phao, được pháo binh và bộ binh yểm trợ. Quân đặc nhiệm Sa'iqa (nghĩa là "chớp nhoáng") được trực trăng đổ vào sâu tới 40 km trong Sinai để đánh phá và ngăn cản quân dự bị Israel can thiệp.[21]

Một lữ đoàn chiến xa lội nước gồm một ngàn quân, 20 xe tăng PT-76 và 80 APC vượt Đại hồ Bitter ngày 6 tháng 10. Mục tiêu của họ là cắt đứt hệ thống liên lạc và chỉ huy dọc theo các con đèo Mitla và Gedy. Lữ đoàn này tấn công các vị trí radar và trạm vô tuyến của Israel tại các con đèo đó, và tấn công sân bay Bir-el-Thamada trong ngày 7-8 tháng 10, trước khi rút lui về phòng tuyến Ai Cập ở bờ kia kênh Suez.[22]

Máy bay Mirage của Isael bị bắn rơi gần Ismailia

Bị hỏa lực phi pháo Ai Cập đánh phủ đầu, Công binh Ai Cập lập nhiều cầu nổi bắc qua kênh đào Suez cho bộ binh, chiến xa băng qua nhanh chóng như nước vỡ bờ. Những cứ điểm dọc theo phòng tuyến bị bao vây, chiến đấu trong tuyệt vọng. Quân đội Do Thái thiết lập mười sáu cứ điểm cách nhau năm dặm, dọc theo bờ kênh đào Suez, tất cả đều bị cô lập, bao vây tấn công. Trong mỗi cứ điểm trên phòng tuyến, có khoảng 20, 30 binh sĩ nằm chịu trận trước những đợt pháo kích dồn dập của Pháo binh Ai Cập. Sau trận nã pháo kinh hoàng, bộ binh và chiến xa Ai Cập tấn công, tất cả các cứ điểm đều bị tràn ngập. Cứ điểm Quay trên phòng tuyến Bar Lev có 42 binh sĩ, khi bị quân Ai Cập tràn ngập thì 5 người đã chết và 37 người bị thương, thiệt hai quân số 100%. Chỉ ngoại trừ một cứ điểm có mật hiệu là Budapest nhờ địa thế chiến lược đặc biệt và tiếp tục nằm dưới quyền kiểm soát của Israel cho tới hết cuộc chiến.

Không quân Israel tìm cách ngăn chặn quân Ai Cập lập cầu phao, nhưng bị tên lửa SAM của Ai Cập bắn rát; 13 máy bay của Israel bị bắn cháy từ khi cuộc đổ bộ bắt đầu cho tới 5 giờ chiều. Các cuộc không kích trên nhìn chung là không có hiệu quả, vì các cầu phao bị hư hại được nhanh chóng sửa chữa và đưa vào hoạt động trở lại.[23] Lữ đoàn quân Israel phòng ngự phòng tuyến Bar-Lev bị tiêu diệt. Chỉ trong chưa đầy sáu giờ, quân Ai Cập đã hạ 15 đồn, tiến sâu đến vài km. Cũng trong thời gian này, quân Ai Cập đã đưa năm sư đoàn bộ binh và 850 xe tăng vượt kênh.[20] Lực lượng công binh triển khai vòi rồng, máy ủi và thuốc nổ đã khoét được 60 lối vào xuyên qua các thành lũy bằng cát.

Đến 5 giờ chiều ngày 6/10, khoảng 32.000 lính bộ binh Ai Cập đã đổ bộ và trong vòng 24 tiếng đồng hồ, hơn 1.000 xe tăng, 13.500 phương tiện và 100.000 binh sĩ đã vượt qua kênh đào an toàn. Quân Ai Cập hoàn thành cuộc vượt kênh với rất ít tổn thất: 280 binh sĩ, 15 máy bay và 20 xe tăng (khi lập kế hoạch, Bộ tư lệnh Ai cập dự tính là họ sẽ mất đến 25.000 lính để vượt kênh). Nhìn chung, có thế đánh giá chiến dịch vượt kênh đào Suez của Quân đội Ai cập là một chiến dịch thành công nhất của quân đội nước này trong toàn bộ chiến tranh.

Trong khi đó, tổn thất của Israel lớn hơn nhiều: tới ngày 7 tháng 10, tướng Mandler thông báo sư đoàn bọc thép của mình từ 291 xe tăng chỉ còn 100 xe, lữ đoàn bọc thép Shomron ở phía nam từ 100 xe tăng chỉ còn 23 xe tăng. Tổng cộng, có 300 xe tăng của Israel bị phá hủy trong cuộc tấn công của Ai Cập vào chiến lũy Bar-Lev, lữ đoàn bộ binh bảo vệ chiến tuyến bị tiêu diệt.[24] Phòng tuyến Bar-Lev mà Israel bỏ công xây dựng suốt 5 năm đã bị chọc thủng chỉ trong 1 ngày. Tới 16:00 Elazar được biết tổn thất của IAF trong vòng 27 giờ đầu lên tới 30 máy bay.[25]

Quân Israel phản công lần 1

Xe tăng Israel phản kích

Trong một chiến dịch đã được tập luyện thành thục, quân Ai Cập tiến sau chừng 4–5 km vào sa mạc Sinai với lực lượng tổng hợp của hai quân đoàn, bao gồm cả sư đoàn bộ binh số hai từ quân đoàn số hai phía bắc.[20] Quân Ai Cập tiếp đó củng cố các vị trí của họ. Tới 7 tháng 10, các đầu cầu này được mở rộng thêm 4 km, cùng lúc quân Ai Cập đẩy lùi các cuộc phản công của Israel. Trong các đêm 7 và 8 tháng 10, sư đoàn bộ binh 18 Ai Cập đánh chiếm thành phố Qantara.[26] Chỉ trong một ngày, Israrl mất không ít hơn 200 xe tăng, còn phía Ai cập chỉ mất 67 xe tăng.

Ngày 8 tháng 10, tướng Shmuel Gonen, chỉ huy mặt trận Nam Israel—người chỉ mới nhậm chức ba tháng trước khi tướng Ariel Sharon về hưu—hạ lệnh phản công với ba lữ đoàn từ sư đoàn bọc thép 162 của tướng Abraham Adan. Tuy nhiên, một lữ đoàn bị kẹt vì giao thông quá tải, hai lữ đoàn khác mới chỉ tập hợp được nửa quân số.[27]. Họ tấn công quân Ai Cập cố thủ tại Hizayon, nhưng bất kỳ xe tăng nào tiến đến gần đều bị hỏa tiễn AT-3 Sagger phá hủy, quân Israel thất bại nặng. Tới tối, quân Ai Cập phản công, nhưng bị Sư đoàn xe bọc thép 163 của tướng Ariel Sharon chặn lại— tướng Sharon được điều lại làm chỉ huy sư đoàn khi chiến tranh bùng nổ. Giao tranh lắng xuống vì không bên nào muốn mở cuộc tiến công vào chiến tuyến của bên kia nữa. Trong các đợt phản công bất thành, Israel đã mất thêm 100 xe tăng.

Tổng cộng tổn thất của phía Israel trong các trận giao tranh với Ai Cập tới lúc này đã lên đến 49 máy bay và khoảng 500 xe tăng bị mất.[28]

Trong ngày 9 tháng 10, trên toàn mặt trận, quân Ai Cập tiếp tục tiến công thăm dò nhằm củng cố và mở rộng đầu cầu. Sư đoàn số hai bộ binh Ai Cập hoàn thành tiêu diệt lữ đoàn xe tăng 190 của Israel, phá hủy 80 xe tăng và bắt sống chỉ huy đơn vị này, trong khi đó, ngày 10 tháng 10, lữ đoàn bộ binh số một thuộc quân đoàn ba đánh chiếm các vị trí bố phòng tại Ain Mousa với hai khẩu đội đại pháo 155mm, khoảng 14 km về phía tây nam Suez.[29][30] Không quân Israeli (IAF) tăng cường tấn công trong những ngày tiếp đó vào các vị trí của quân Ai Cập bố trí dọc bờ kênh Suez.[20]

Xe tăng Israel bị tiêu diệt trong trận Ismailia

Quân Israel phản kích, và cũng giống như các cuộc tấn công mà họ tiến hành trong ngày 8 tháng 10, với tổn thất nặng nề. Trong hai ngày đó, người Israel mất tổng cộng 260 xe tăng.[31] Ở mặt trận do tướng Sharon chỉ huy, trong khi sư đoàn 16 bộ binh định chiếm lại mấy dải đất hẹp quan trọng, thiếu tướng Ai Cập Shafik Mirti Sedrak tử trận. Sharon, để trả đũa, hạ lệnh mở một số cuộc tấn công, vi phạm lệnh chuyển sang phòng ngự của tướng Elazar. Quân đoàn hai đưa một tiểu đoàn xe tăng sang hỗ trợ sư đoàn 16 để đẩy lui cuộc phản kích của Israel. Cùng lúc, hai lữ đoàn xe bọc thép mở cuộc tấn công để chiếm các vị trí tại Hamutal, Televiza và Machshir, nhưng không chiếm được vị trí nào. Tới tối, Sharon mất thêm 50 xe tăng mà không giành được thắng lợi, dù quân Israel rút được đơn vị quân đóng tại cứ điểm Purkan.[32]

Sau khi biết được hành động bất tuân lệnh của tướng Sharon, tướng Elazar phát khùng lên, nhưng thay vì bãi chức tướng Sharon, người được coi là rất sáng tạo, ông cho thay thế tướng Gonen, người tỏ ra hết sinh khí, bằng tướng về hưu Chaim Bar-Lev. Để khỏi ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ, tướng Gonen thay vì bị bãi chức, lại được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng cho tướng Bar-Lev. Tới ngày 10 tháng 10, cả hai phía tạm ngưng chiến.[33]

Chỉ trong 3 ngày đầu, Israel đã tổn thất nặng: họ mất gần một nửa số xe tăng và 1/3 lực lượng không quân. Đêm 9/10, tổng thống Mỹ Nixon nói với Thủ tướng Israel Golda Meir rằng “tất cả tổn thất về máy bay và xe tăng của Israel sẽ được thay thế"[34] Mỹ phê chuẩn gói viện trợ quân sự bổ sung trị giá 2,2 tỷ USD cho Israel. Không quân Mỹ đã phát động Chiến dịch Nickel Grass, sử dụng cầu hàng không để vận chuyển 20.000 tấn hàng gồm máy bay chiến đấu, xe tăng, đạn dược và khí tài khác đến Israel. Trong khi đó, 33.000 tấn vật liệu sẽ được vận chuyển bằng đường biển. Số hàng này giống như một phao cứu sinh cho Israel khi đó.

Ngày 10/10, Quân Ai cập tại Sinai bắt đầu giảm mạnh cường độ tấn công, và đến 11/10 thì dừng hẳn. Tổng thống Ai Cập Sadat cho rằng họ đã “hoàn thành vượt mức” kế hoạch đặt ra trước chiến tranh, quân Israel đã thiệt hại quá nặng nên ông cho rằng không cần phải tiếp tục triển khai tấn công nữa. Chính vì thế và Bộ tư lệnh Ai cập đã không tiếp tục tấn công để kết nối các bàn đạp của các tập đoàn quân số 2 và số 3 thành một tuyến thống nhất, và sau này Ai Cập đã phải trả giá đắt vì sự chủ quan khinh địch này.

Quân Israel phản công lần 2

Mặt trận Sinai, 15-24 tháng 10 năm 1973

Sau vài ngày chờ đợi, quân Ai Cập nhận ra Israel tập trung nỗ lực vào mặt trận Golan đánh lại Syria. Sadat, muốn giảm áp lực lên Syria, hạ lệnh các tướng tổng chỉ huy (Saad El ShazlyAhmad Ismail Ali) tấn công. Quân đoàn hai và ba sẽ tấn công đồng loạt về hướng đông, chỉ để lại năm sư đoàn bộ binh để bảo vệ đầu cầu. Lực lượng tấn công, gồm 400 xe tăng[35] sẽ không được tên lửa SAM bảo vệ, nên không quân Ai Cập (EAF) được giao nhiệm vụ bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công từ không lực Israel. Các đơn vị xe bọc thép và cơ giới bắt đầu cuộc tấn công ngày 14 tháng 10 với pháo binh bắn yểm trợ. "Cuộc tấn công lớn nhất kể từ khi Ai Cập mở màn cuộc chiến Yom Kippur, hoàn toàn thất bại, định mệnh lần đầu tiên quay lưng lại với Ai Cập kể từ khi chiến tranh nổ ra. Thay vì tập trung lực lượng để tấn công, trừ cuộc tấn công vào lòng suối cạn, còn lại họ ném lực lượng vào các cuộc đối đầu với các lữ đoàn Israel đợi sẵn. Quân Ai Cập mất chừng 150 cho tới 250 xe tăng trong ngày hôm đó."[36] Nguồn khác ước tính Ai Cập bị mất 200 - 264 xe tăng cùng khoảng 1.000 binh sỹ thương vong. Israel tổn thất nhẹ hơn, vào khoảng 50 - 150 xe tăng, 60 xe thiết giáp, một vài máy bay bị bắn rơi cùng 636 binh sỹ thương vong trong trận này[37][38]

Lý do thất bại của Ai cập trong trận này là do sự chủ quan, nôn nóng của họ:

  • Quân Ai Cập ngừng tấn công 4 ngày giúp cho Israel có thời gian quý báu chuẩn bị sẵn trận địa phòng ngự. Kết quả là xe tăng Ai Cập khi tấn công đã lao vào trận địa mà đối phương chờ sẵn, bị bất lợi rất lớn. Israel cũng chiếm ưu thế nhờ trình độ và kỹ năng của các kíp xe đã thông thạo địa hình.
  • Do bố trí lực lượng đúng hướng nên quân Israel có ưu thế về số lượng (900 xe tăng so với 400 xe tăng của Ai Cập)
  • Vì nôn nóng, xe tăng Ai Cập không đợi các lực lượng hỗ trợ đi cùng mà tự tiến lên một mình. Họ đã chiến đấu ngoài khu vực được phòng không bảo vệ, cũng như không có sự yểm trợ trực tiếp của bộ binh sử dụng AT-3 SaggerRPG-7. Vì không có phòng không, các trực thăng AH-1 Cobra của Israel đã dùng tên lửa và rốc-két hạ gục hàng loạt xe tăng Ai Cập, 1/3 tổn thất của tăng Ai cập là do AH-1.

Ngày tiếp theo, 15 tháng 10, quân Israel mở Chiến dịch Abiray-Lev ("Quả cảm" hay "Dũng sĩ")—để phản công lại Ai Cập và vượt kênh Suez. Cuộc tấn công là một bước chuyển lớn về mặt chiến thuật của Israel, vốn vẫn dựa vào hỏa lực hỗ trợ của máy bay và xe tăng—nhưng bị quân Ai Cập vốn có sự chuẩn bị kỹ càng tiêu diệt. Thay vào đó, Israel sử dụng bộ binh để thâm nhập các vị trí tên lửa SAM và các khẩu đội pháo phòng không, không có khả năng kháng cự hiệu quả chống lại lính bộ binh.

Quân đội Israel bắt đầu tấn công trưa ngày 15/10. Đến chiều hôm đó, 2 lữ đoàn Israel đã có mặt đúng ở khu vực nằm giữa vị trí đóng quân của các sư đoàn số 16 và số 21 Ai cập và một trận chiến hỗn loạn trong đêm bắt đầu. Israel mất 70 đến 80 xe tăng, Ai Cập mất khoảng 150 xe tăng. Cả hai lữ đoàn Israel không thể tiếp tục tiến quân nhưng họ đã hoàn thành nhiệm vụ nghi binh

Tướng Ariel Sharon dẫn một sư đoàn đánh vào quân Ai Cập ở phía bắc hồ Bitter, cạnh Ismailiya. Quân Israel đánh vào điểm yếu trong chiến tuyến Ai Cập, là điểm nối giữa Quân đoàn hai ở phía bắc và Quân đoàn ba ở phía nam. Một trong những trận ác chiến dữ dội nhất trong toàn cuộc chiến xảy ra quanh Nông trại Trung Quốc (một công trình thủy lợi ở phía đông kênh đào, và phía bắc đầu cầu vượt kênh), khi quân Israel tấn công nhằm chọc thủng chiến tuyến Ai Cập và tiến đến kênh Suez. Một toán quân vượt kênh và thiết lập một đầu cầu ở bờ bên kia sông. Để vượt kênh đào, Israel đã sử dụng xe chiến lợi phẩm thu được (7 xe tăng PT-76, 8 xe BTR-50). Phía Ai cập cho rằng đấy chỉ là các hoạt động đột kích nhỏ lẻ nên không lo tiêu diệt nhóm quân này.

Chỉ trong hơn 24 giờ, binh lính Israel, dùng bè nhỏ bằng cao su vượt sông. Họ sử dụng hỏa tiễn chống tăng M72 LAW của Mỹ để khắc chế mối đe dọa xe tăng Ai Cập. Một khi hỏa lực phòng không và hệ thống chống tăng của Ai Cập bị vô hiệu hóa, bộ binh Israel quay lại sử dụng hỏa lực xe tăng và máy bay để áp đảo quân địch.

Dàn tên lửa phòng không SAM-3 của Quân đội Ai Cập bị quân Israel thu giữ

Trước khi chiến tranh nổ ra, các quốc gia phương Tây không bán phương tiện làm cầu phao cho Israel, vì sợ họ sẽ dùng nó để vượt kênh. Tuy vậy, người Israel mua và tân trang các linh kiện cầu phao cổ lỗ từ một bãi phế liệu thời Chiến tranh thế giới thứ hai tại Pháp. Họ cũng sáng tạo một cây "cầu đẩy" rất tinh vi, nhưng do tiếp tế bị chậm bởi đường sá tắc nghẽn, nó đến bờ kênh chậm mất mấy ngày. Đến lúc này, Bộ Tư lệnh Ai cập mới nhận ra đây không phải là một đợt đột kích nhỏ, họ vội điều lực lượng tới nhằm tiêu diệt quân Israel.

Trên bờ đông kênh đào, các sư đoàn bộ binh 16 và sư đoàn xe tăng 21 của Ai Cập đánh nhau ác liệt với 2 sư đoàn xe tăng số 143 và 162 của Israel trong trận đánh quanh Nông trại Trung Quốc. Trong 3 ngày, quân Ai Cập đã chặn được bước tiến của Israel sau những tuyến phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Xe tăng Ai Cập được chôn sâu trong cát chỉ ló ra tháp pháo, phối hợp cùng bộ binh trang bị tên lửa chống tăng AT-3 Sagger đã phá hủy hàng chục xe tăng Israel chỉ trong vài giờ giao chiến đầu tiên. Chỉ trong đêm ngày 16, sư đoàn xe tăng 143 của Israel đã tổn thất 70 xe tăng trong số 250 xe tăng tham chiến, có 1 tổ bộ binh Ai Cập đã dùng tên lửa AT-3 bắn hạ 9 xe tăng Israel[39] Nhưng ngược lại, phía Israel cũng đánh bại các nỗ lực tấn công của xe tăng Ai Cập. Lữ đoàn tăng số 25 của Tập đoàn quân số 3 Ai Cập được điều lên hướng bắc, nhưng vào ngày 17/10, họ bị rơi vào ổ phục kích 2 lữ đoàn xe tăng Israel. Bị phục kích bất ngờ, xe tăng Ai Cập không quan sát được đối phương và chỉ bắn hú họa. Lữ đoàn thiết giáp 25 đã mất tất cả lực lượng xe bọc thép chở quân và 86 trong số 96 xe tăng T-62 mà chỉ phá hủy được 4 xe tăng của Israel[40].

Sau 3 ngày chiến đấu quanh Nông trại Trung Quốc, cả hai bên đều bị tổn thất nặng. Phía Ai Cập tổn thất trên 200 xe tăng và vài chục xe thiết giáp bị phá hủy hoặc bị hư hỏng nặng, trong đó Sư đoàn 21 xe tăng của Ai Cập tổn thất 96 xe tăng trong số 136 xe tăng tham chiến. Trong khi đó, Israel cũng bị tổn thất ít nhất 166 xe tăng và vài chục xe thiết giáp bị phá hủy hoặc bị hư hỏng nặng, trong đó tổn thất nặng nhất là Lữ đoàn 14 thuộc sư đoàn xe tăng 143 (ban đầu lữ đoàn có 97 xe tăng, chỉ còn 41 xe sau 12 giờ chiến đấu đầu tiên, chỉ còn 27 xe vào sau buổi trưa và chỉ còn 14 xe tăng vào cuối ngày 16/10). Khoảng 450 lính Israel tử trận và 1.200 lính bị thương. Cuối cùng, quân Ai Cập rút lui và Israel đã thành công trong việc lập đầu cầu vượt kênh.

Tới 18 tháng 10, Israel đã thiết lập được bốn cây cầu ở phía bắc Đại hồ Bitter dưới làn hỏa lực dữ dội của Ai Cập. Đến sáng ngày 18/10, trên bờ tây kênh đào đã có 3 sư đoàn Israel với hơn 200 xe tăng. Ngày 17 - 18/10, các quan chức Liên Xô đã cho Tổng thống Sadat và Bộ trưởng Chiến tranh, Tướng Ahmad Ismail Ali, thấy những những bức ảnh vệ tinh về đầu cầu đang mở rộng mà Sharon đã thiết lập trên bờ tây kênh đào Suez. Tướng Shazly khuyến nghị rút 4 đơn vị thiết giáp khỏi Sinai để đối phó với mối đe dọa này. Nhưng Sadat, đang tính toán nhu cầu chính trị phải giữ vững các chiến công của Ai Cập, đã quyết định không điều quân về.

Ngày 19/10, Quân Israel triển khai chiến dịch quan trọng nhất về phía nam. Sư đoàn 162 của tướng Adan vượt kênh rồi tiến về phía nam. Cùng thời gian, cánh quân này tung các toán quân đột kích phá hủy các khẩu đội tên lửa SAM ở bờ đông kênh Suez. Đến ngày 19/10, quân Israel đã tiêu diệt 15 hệ thống tên lửa phòng không Ai Cập. Mọi nỗ lực phản công của Quân Ai Cập đều thất bại. Tới cuối cuộc chiến, quân Israel đã chiếm được một dải đất ở trong biên giới Ai Cập, và chỉ cách thủ đô Cairo của Ai Cập có 101 km. Tuy nhiên, lực lượng của Israel ở bờ tây kênh Suez chỉ có 3 sư đoàn và hơn 200 xe tăng, Israel cũng không còn nhiều quân dự bị để tăng viện nên khó có thể tấn công tới Cairo, bởi Ai Cập vẫn còn số quân dự trữ rất lớn để tổ chức phòng ngự (hơn 300.000 quân và 1.000 xe tăng). Ưu thế quân số vẫn là 5 chọi 1 nghiêng về Ai Cập, chưa kể quân Israel phải vận chuyển đồ tiếp vận qua những cây cầu phao nhỏ, nếu tiến quân xa hơn thì họ sẽ bị thiếu lương thực, đạn dược và nhiên liệu.

Mục tiêu khả thi hơn với Israel là lấn thêm đất ở bờ Tây và cắt đứt đường tiếp vận cho quân đoàn số 3 Ai Cập đang đóng ở phía đông kênh đào (nếu không có tiếp vận, quân Ai Cập sẽ không có nước uống và sẽ phải đầu hàng). Nhưng ngay cả mục tiêu này cũng chưa chắc đã thành công, vì quân đoàn số 2 và số 3 của Ai Cập vẫn đang cố tấn công từ 2 phía để kết nối thành một tuyến thống nhất, nếu họ thành công thì không những quân đoàn 3 được giải cứu, mà chính quân Israel sẽ bị bao vây ngược. Ngoài ra, ở mặt trận cao nguyên Golan, Syria đang chuẩn bị một cuộc phản công lớn với 7 sư đoàn dự kiến vào ngày 23/10, chắc chắn sẽ buộc Israel phải rút bớt quân từ mặt trận Ai Cập về nước để tăng viện.

Nhìn chung, tuy Israel phản công thắng lợi nhưng chiến sự ở mặt trận Ai Cập vẫn rất khó lường trước, nếu chiến tranh kéo dài thêm thì chưa biết thắng bại ra sao. Liên quân Ả Rập vẫn có ưu thế lớn về quân số, nếu đánh tiếp thì có thể họ sẽ thắng hoặc chí ít cũng buộc Israel phải chấp nhận những điều kiện đàm phán do họ đưa ra. Nhưng đến lúc này, lãnh đạo phía Ai Cập đã tỏ ra thoái chí và chấp nhận đề xuất ngừng bắn do Mỹ đề nghị.

Ngày 24/10, chiến sự chấm dứt trên cả hai mặt trận. Chiến tranh kết thúc.

Mặt trận Golan

Trên Cao nguyên Golan, quân Syria tấn công hệ thống phòng thủ của Israel gồm hai lữ đoàn và 11 khẩu đội pháo, sử dụng năm sư đoàn và 188 khẩu đội pháo. Lúc trận chiến mở màn, 180 xe tăng và 60 pháo của Israel phải đọ lại với 1.300 xe tăng Syria.[41] Tất cả các xe tăng Israel tại Cao nguyên Golan đều được tung vào trận. Biệt kích Syria đổ bộ bằng trực thăng đánh chiếm cứ điểm quan trọng Jabal al Shaikh (núi Hermon), là nơi bố trí nhiều thiết bị quan sát của Israel.

Golan Heights campaign

Cuộc chiến tại Cao nguyên Golan có tầm quan trọng hàng đầu với Bộ Tổng chỉ huy Israel. Do chiến trận tại Sinai còn cách khá xa, các trung tâm dân cư của Israel chưa bị trực tiếp đe dọa, nhưng nếu cao nguyên Golan thất thủ, quân Syria có thể dễ dàng thừa thắng đánh tới Tiberias, Safed, Haifa, Netanya, và Tel Aviv. Quân dự bị Israel được khẩn trương tập trung tại Cao nguyên Golan. Họ được nhận xe tăng rồi tung ra mặt trận ngay tức khắc, không chờ cho tới khi tổ lái mà họ được cùng huấn luyện đến đủ, cũng không chờ cho tới khi súng máy được lắp trên tháp pháo, cũng chẳng cần chờ phải chỉnh nòng pháo (vì mất nhiều thời gian).

Cũng tương tự như quân Ai Cập tại Sinai, quân Syria cẩn thận hoạt động dưới tầm yểm trợ của tên lửa SAM, và sử dụng tên lửa chống tăng do Liên Xô sản xuất (nhưng không hiệu quả bằng, vì địa hình tại đây không bằng phẳng, như tại vùng sa mạc Sinai).

Quân Syria dự tính người Israel phải mất tối thiểu 24 giờ mới đưa quân dự bị ra tới mặt trận được, nhưng trong thực tế, quân dự bị Israel xung trận chỉ 15 giờ sau khi chiến tranh bùng nổ.

Sau ngày đầu giao chiến, quân Syria (với lực lượng đông gấp năm lần quân Israel tại Golan, có những nơi xe tăng Syria đông gấp 11 lần) giành được một số thắng lợi khiêm tốn. Quân Israel kháng cự mãnh liệt, bộ binh và xe tăng Israel kiệt lực chiến đấu để đẩy lùi quân Syria. Họ sử dụng pháo tự hành rất hiệu quả, vì pháo thủ Israel đã thao diễn rất nhiều lần đến thuần thục trên cao nguyên Golan. Tên lửa SAM của Syria bắn rơi 40 máy bay Israel, nhưng phi công Israel nhanh chóng sử dụng chiến thuật mới- bay thấp trên lãnh thổ Jordan- rồi bổ nhào xuống cao nguyên Golan, bất thần đánh vào sườn quân Syria và tránh các dàn tên lửa phòng không. Phi công Israel ném bom thường và bom napalm, phá hủy các xe quân sự Syria.

Tuy vậy, chỉ trong vòng sáu giờ, tuyến đầu phòng thủ của Israel bị quân Syria đông hơn đánh tan vỡ. Quân Syria tiếp tục đánh bật lính Israel ra khỏi các trận địa phòng ngự. Israel điều 4 lữ đoàn tăng cường vào tham chiến (các lữ đoàn số 14, số 17, số 19 và 79), nhưng vẫn không thể chặn được các đợt tấn công của quân Syria. Lữ đoàn số 188 bị thương vong gần hết, chỉ huy lữ đoàn thiệt mạng. Các lữ đoàn khác của Israel được đưa vào tham chiến cũng bị tổn thất tương đối nặng. Tổng thiệt hại của Israel lên tới trên 200 xe tăng.

Xe tăng của Lữ đoàn Ehud Barack bị tiêu diệt tại mặt trận Cao nguyên Golan

Người Israel đã gặp may khi các lực lượng Syria không chuẩn bị kỹ lưỡng bằng phía Ai Cập. Quân Syria đã không mang theo các đơn vị kỹ thuật trang bị công cụ cầu đường để vượt hào chống tăng, kết quả là lực lượng xe tăng Syria bị dồn ứ nghiêm trọng. Trong khi Syria loay hoay tìm cách tiến quân thì pháo binh và xe tăng thuộc Lữ đoàn thiết giáp “Barak” 188 tinh nhuệ của Israel đã tấn công, bào mòn đáng kể sức mạnh của Syria.

Trong vòng bốn ngày đầu giao chiến, Lữ đoàn thiết giáp số bảy của Israel (do tướng Yanush Ben Gal chỉ huy) cầm cự trên dải đồi đá phòng ngự sườn phía bắc của đại bản doanh lữ đoàn tại Nafah. Vì một lý do nào đó, quân Syria dù đã tiến rất gần đến Nafah, nhưng họ lại ngưng tiến, tạo điều kiện cho quân Israel tập hợp lại thành một tuyến phòng ngự. Lý do có thể là quân Syria tính trước tốc độ tiến công, và chỉ huy chiến trường của Syria không muốn đi chệch khỏi kế hoạch. Tuy nhiên ở hướng nam, Lữ đoàn Barak của Israel, mất hết các thành lũy tự nhiên, bắt đầu bị tổn thất nặng, lữ đoàn trưởng đại tá Shoham bị giết trong ngày thứ hai cuộc chiến, cũng như chỉ huy phó và sĩ quan điều hành tác chiến, khi quân Syria liều mạng tấn công về hướng Biển Galilee và Nafah. Tới lúc này, lữ đoàn không còn hoạt động như một đơn vị thống nhất, mặc dù các xe tăng và tổ lái tiếp tục độc lập chiến đấu.

Về phía mình, quân Syria cũng bị nhiều tổn thất. Tại thung lũng Nước mắt, nhờ lợi thế về vị trí, xe tăng Israel tổ chức phục kích từ trên cao, nã đạn vào đội hình xe tăng tấn công của Syria đang ở dưới thấp làm họ bị thiệt hại nặng nề. Hàng trăm xe tăng Syria bị phá hủy, trong khi Israel chỉ tổn thất dăm chục xe tăng. Lữ đoàn trưởng Syria, tướng Omar Abrash bị giết khi xe tăng của ông bị trúng đạn. Phía Syria đến thời điểm đó cũng đã mất khoảng 400-500 xe tăng. Vậy là cuộc tấn công của Syria ở phía bắc cao nguyên Golan đã bị chặn đứng.

Ở phía nam cao nguyên Golan, lực lượng Syria đã thu được thành công hơn. Vào cuối ngày đầu tiên, quân số áp đảo đã giúp họ tạo ra bước đột phá. Mặc dù tình trạng ách tắc đội hình đã cản trở bước tiến giống như ở phía bắc, song Syria vẫn có thể tiến đến Hushniya, phía đông bắc biển Galilee và thậm chí còn tìm cách chiếm Nafekh, trung tâm chỉ huy của Israel. Khi đó, tại một số khu vực, quân Israel đã bị đẩy lui đến sườn dốc của cao nguyên Goland. Nếu Quân Syria đánh bật được Quân Israel ra khỏi cao nguyên Goland thì họ đã mở thông cánh cửa tiến đến những khu vực đông dân cư nhất phía Bắc Israel cũng như có thể pháo kích lãnh thổ Israel từ khu vực đó. Vào cuối buổi chiều ngày thứ 2, 95 xe tăng T-62 của Syria đang tiến công thì chỉ huy của họ lại ra lệnh dừng lại mà không rõ lý do. Sự chỉ huy và kiểm soát kém ở phía Syria, cộng với hỏa lực của Israel, đã làm đình trệ chiến dịch của Syria ở phía nam cao nguyên Golan.

Đúng lúc nguy cấp thì may mắn đến với Israel: quân Ai Cập tại Sinai ngừng tấn công. Israel nắm được ý đồ của người Ai cập không tiếp tục tấn công. Ngay sau đó chiến trường chính đối với Israel được xác định là chiến trường Syria và họ chuyển phần lớn quân dự bị về hướng này.

Tình thế trên cao nguyên Golan bắt đầu xoay chuyển khi quân dự bị Israeli xuất hiện, chặn đứng quân Syria, rồi tới ngày 8 tháng 10, bắt đầu đánh lui cuộc tấn công của quân Syria. Cao nguyên Golan quá nhỏ hẹp, không có giá trị vùng đệm như bán đảo Sinai ở phía nam, nhưng có giá trị chiến lược quan trọng, vì là điểm chốt để ngăn quân Syria bắn phá các thị trấn ở phía dưới. Thiếu tướng Moshe Peled, chỉ huy Sư đoàn thiết giáp dự bị 146, tấn công quân Syria từ phía nam với khoảng 110 xe tăng và một lữ đoàn bộ binh cơ giới, trong khi Sư đoàn dự bị 240 dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Dan Laner tấn công ở khu vực trung tâm. Tới ngày thứ tư, ngày 10 tháng 10, các đơn vị cuối cùng của Syria thuộc bộ phận Trung tâm đã bị đẩy lùi qua tuyến tím, tức là đường biên giới trước khi chiến tranh bùng nổ[42]

Từ ngày 11 tới ngày 14 tháng 10, quân Israel đánh sâu vào nội địa Syria, và tiến đến tuyến phòng ngự chính quanh Sassa. Israel như vậy đã chiếm được thêm 50 km vuông lãnh thổ quanh Bashan. Từ đây, họ có thể bắn trọng pháo vào ngoại vi Damascus, chỉ cách đó 40 km. Nhưng tới đây, quân Syria kháng cự mạnh mẽ từ các công sự phòng thủ được chuẩn bị từ trước. Quân Syria đã cố thủ ở phòng tuyến thứ hai trong số ba phòng tuyến được xây dựng sau năm 1967. Chiến đấu trên lãnh thổ của mình, quân Syria tỏ ra rất ngoan cường và quả cảm.

Iraq cũng đưa một lực lượng viễn chinh tới Golan, bao gồm khoảng 30.000 quân, 500 xe tăng, và 700 xe bọc thép (APC).[43] Sư đoàn Iraq này là một bất ngờ chiến lược cho Israel, vì họ tin rằng họ có thể nhận được tin tình báo về sự chuyển quân ngày trước 24 giờ. Bất ngờ này chuyển thành bất ngờ chiến thuật, vì quân Iraq đánh vào sườn phía nam để hở của các xe tăng Israel đang tấn công. Dù quân Iraq thất bại trong trận này, song họ cũng buộc Israel phải rút lui chừng vài km để đề phòng bị bao vây.

Quân đội liên hợp của Syria, Iraq và Jordan phản công để ngăn bước tiến của Israel, nhưng không đẩy lui quân Israel khỏi Bashan được. Ngày 16/10 lữ đoàn tăng- thiết giáp số 40 được trang bị tăng Centurion của Jordany bắt đầu tham chiến. Thiệt hại của lữ đoàn này vào khoảng từ 20 đến 28 tăng. Quân đội Iraq mất 60 xe tăng.

Tuy phía A Rập chịu tổn thất nặng nhưng đã giúp Syria bố trí lại sư đoàn tăng thiết giáp số 3 và bắt đầu phản công. Tuy không giành được chiến thắng nhưng đã chặn được chiến dịch tấn công của Quân đội Israel.

Nhìn chung, trong giai đoạn mở màn, quân đội Syria thu được ít thành công hơn nhiều so với Ai Cập. Nhưng trong giai đoạn sau (khi Israel phản công), họ lại thể hiện khả năng chiến đấu tốt hơn nhiều so với quân Ai Cập. Quân Syria không thu được chiến thắng lớn nào nhưng cũng không để đối phương đánh bại. Điều này cũng được quân đội Israel công nhận. Đến thời điểm này, Bộ tư lệnh Israrel quyết định dừng tấn công Syria, một phần vì không đủ lực lượng, phần khác có thể dẫn đến việc Liên Xô có thể trực tiếp tham chiến để bảo vệ Syria. Mặt trận chính lúc này lại là Ai Cập.

Giao tranh trên biển

Chiều ngày 6/10, 4 tàu tên lửa và 01 tàu tuần tiễu của Israel đã gây thiệt hại nặng cho Hải quân Syria ở căn cứ quân sự chủ yếu Latakia, đánh chìm 3 tàu tên lửa cỡ nhỏ (01 tàu dự án 205 "Komar", 2 tàu dự án 183R), 01 tàu phóng lôi (kiểu 123K) và 01 tàu phá mìn dự án 254.

Chiều ngày 10/10, các tàu tên lửa của Israel đã tiêu diệt tiếp lực lượng Hải quân Syria ở Latakia, bắn chìm thêm 2 tàu tên lửa Syria (1 tàu dự án 205, 1 tàu dự án 183R) và đốt cháy phần lớn các kho nhiên liệu.

Giao tranh trên không

Theo số liệu của chính Israel thì Không quân nước này mất 115 máy bay: 33 F-4 Phantom, 11 Mirage, 53 A-4 Skyhawk, 6 Super Mister và 6 máy bay lên thẳng. Trong số đó, Israel chỉ công nhận 5 máy bay bị bắn hạ trong các cuộc không chiến, số còn lại là do các phương tiện phòng không mặt đất. Ngoài ra, còn 6 chiếc F-4 Phantom phải loại khỏi biên chế do hư hỏng quá nặng. Theo số liệu của A rập thì có trên 200 máy bay Israel bị phương tiện phòng không mặt đất bắn rơi. Đôi khi phía Ả rập khẳng định là đã bắn rơi gần 400 máy bay của Không quân Israel trong cuộc chiến này.

Ai Cập có từ 159 đến 292 máy bay bị bắn rơi. Theo số liệu của Israel thì 172 máy bay Ai cập bị hạ trong các cuộc không chiến, 43 do các phương tiện phòng không mặt đất, hơn 60 chiếc bị phá hủy ngay trên sân bay (Ai Cập công nhận họ bị mất 159 máy bay do mọi nguyên nhân). Cũng theo Israel tuyên bố thì Syria mất 222 máy bay (162 bị hạ trong các cuộc không chiến).

Algeria mất một MiG-21 và một Su-7, Iraq mất 21 máy bay (trong đó có 14 MiG-21).

Israel tuyên bố F-4 Phantom của họ đã hạ 115 máy bay các nước Ả rập và bị tổn thất 41 chiếc. Còn theo các nước A rập thì không quân của họ đã bắn hạ 144 máy bay Israel (Israel chỉ thừa nhận mất 5 chiếc).

Hệ thống SA-6 Gainful được Liên Xô viện trợ cho quân Ả Rập

Các tổ hợp tên lửa phòng không Ả Rập (do Liên Xô chế tạo) đã bắn hạ ít nhất 110 máy bay Israel. Tổ hợp tên lửa phòng không vác vai SA-7 "Strela 2” bắn hạ từ 7-18 chiếc, pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka hạ từ 11-31 máy bay. Hệ thống SA-6 Gainful bắn hạ khoảng 40 tới 65 máy bay.

Tổ hợp tên lửa phòng không “Hawk” của Israel (do Mỹ sản xuất) bắn hạ từ 10-17 máy bay Ả rập.

Trong một diễn biến liên quan, ở giai đoạn đầu chiến tranh, khi Israel thất bại, nữ Thủ tướng Golda Meir của Israel đã mất kiềm chế và ra lệnh chuẩn bị vũ khí hạt nhân (trong tay Israel đã có 18 quả bom hạt nhân). Cũng trong ngày hôm đó, KGBGRU (tình báo quân sự Liên Xô) tại Trung Đông đã biết quyết định của Thủ tướng Meir. Trước nguy cơ Israel sẽ tự hủy diệt đất nước họ cùng hàng triệu sinh mạng, ngày 10/10, Liên Xô lên kế hoạch buộc Israel từ bỏ việc tiến hành chiến tranh hạt nhân. Ngày 13/10/1973, Thiếu tá Alexander Danilovich Vertievets được lệnh lái chiếc tiêm kích kiểu mới MiG-25 bay thẳng vào không phận Tel Aviv (thủ đô Israel) rồi lượn vòng trên đó để cảnh báo Israel không được dùng vũ khí hạt nhân. 3 chiếc Mirage của Israel cất cánh để ngăn chiếc MiG-25, song không thể bắt kịp mục tiêu. Biên đội Mirage bắn tên lửa không đối không Hokami để hạ chiếc MiG-25, nhưng tất cả tên lửa bắn ra đều bị trượt do mục tiêu cơ động quá nhanh. Chiếc MiG-25 không bỏ đi mà còn vòng lại, lượn thêm 6 vòng tròn trên bầu trời thành phố. Thêm 1 biên đội F-4 Phantom được Israel cử lên, nhưng cũng bất lực trong việc ngăn chặn hoặc bắn hạ chiếc MiG-25. Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã tới gặp Thủ tướng Meir cùng với một báo cáo về “sự cố” trên bầu trời Tel Aviv, và bắt gặp bà Thủ tướng đang đọc lá thư của các nhà khoa học hạt nhân Liên Xô. Sau đó, Israel buộc phải từ bỏ kế hoạch dùng bom hạt nhân. Năm 1973, Alexander Danilovich Vertievets, người thực hiện chuyến bay khuấy đảo bầu trời Tel Aviv, đã được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô[44].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Yom_Kippur http://www.ariel-sharon-life-story.com/10-Ariel-Sh... http://www.cnn.com/SPECIALS/cold.war/episodes/17/1... http://www.defencejournal.com/2002/nov/4th-round.h... http://www.flickr.com/search/?q=October+War+Panora... http://books.google.com/books?id=z58nmWqS94MC&prin... http://www.historynet.com/magazines/military_histo... http://www.isracast.com/Articles/Article.aspx?ID=2... http://www.isracast.com/yk/stage.swf http://info.jpost.com/C003/Supplements/30YK/art.23... http://www.newsflavor.com/World/Middle-East/The-Bi...